1. Tìm hiểu về viêm phế quản mãn tính.
Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm, tăng tiết dịch nhầy mạn tính của niêm mạc phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt ít nhất 3 tháng trong 1 năm và ít nhất là 2 năm liên tiếp, nhưng loại trừ các nguyên nhân gây ho khạc mãn tính khác như lao phổi, giãn phế quản…
Bệnh viêm phế quản mãn tính thường khởi phát ở người trên 40 tuổi. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi độc hại.
2. Viêm phế quản mãn tính – chữa sao cho đúng?
Hiện nay, bên cạnh các liệu pháp Tây y điều trị đợt cấp của bệnh còn có các liệu pháp điều trị dự phòng và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm phế quản mạn tính cùng các bài tập luyện phục hồi chức năng cho người bênh.
2.1. Điều trị đợt cấp: tùy theo mức độ đợt cấp, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc điều trị tại bệnh viện.
– Điều trị bằng thuốc: điều trị kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, thuốc giãn cơ trơn phế quản, corticoid, long đờm…
– Điều trị không dùng thuốc: oxy liệu pháp nếu bệnh nhân có giảm oxy máu, dinh dưỡng, hô hấp liệu pháp, dẫn lưu đờm theo tư thế.
2.2. Điều trị dự phòng.
Điều trị đợt cấp không phải là tiêu chí hàng đầu trong điều trị viêm phế quản mà dự phòng đợt cấp mới là một trong những ưu tiên số một cho người bệnh:
- Cai thuốc lá, thuốc lào (nếu đang hút) và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Tiêm phòng để tránh nhiễm trùng hô hấp.
- Tránh tiếp xúc với khói bụi độc hại, tránh lạnh đột ngột, vệ sinh răng miệng để phòng nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Điều trị kiểm soát tốt các bệnh phối hợp: đái tháo đường, tăng huyết áp…
- Có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý
2.3. Chế độ dinh dưỡng
- Một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp cung cấp năng lượng trong các sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân mà còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, chống lại sự tiến triển của bệnh. Người mắc bệnh VPQMT nên có chế độ dinh dưỡng bao gồm những thực phẩm như:
- Các loại rau sẫm màu (bông cải xanh, cà rốt, cà chua, rau lá xanh, khoai lang, bí mùa đông, cải bruxen): Phytochemical có chứa trong các thực phẩm này giúp cơ thể trung hòa các gốc tự do (gốc tự do là nguyên nhân phá hủy các tế bào và mô, có thể dẫn đến các bệnh mãn tính).
- Những loại rau quả có màu sắc tươi sáng: các loại trái cây có chứa các chất chống oxy hóa và phytochemical. Những loại hoa quả nên lựa chọn đó là: táo, lê, các loại quả họ cam quýt, các loại quả mọng, anh đào, mơ, dưa vàng,..
– Các sản phẩm từ đậu: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng lâu dài các sản phẩm từ đậu nành có thể đem lại lợi ích trong điều bệnh VPQMT bằng việc cải thiện chức năng phổi, giảm sự khó thở, giảm ho hiệu quả. Ngoài ra, các chất flavonoid có trong các thực phẩm chế biến từ đậu nành có tác dụng chống viêm phổi, bảo vệ những người hút thuốc lá khỏi sự nguy hiểm từ các chất gây ung thư có trong thuốc lá.
– Chất xơ: một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dịch tế học của Mỹ với hơn 11.000 người tham gia đã phát hiện ra rằng những người ăn đủ lượng chất xơ ít có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mãn tính hơn những người có chế độ ăn nghèo chất xơ.
– Acid béo omega-3: Các nhà khoa học đã chứng minh, một chế độ ăn giàu acid béo omega-3 có thể giúp chống lại tình trạng viêm phổi mạn tính, do đó bảo vệ phổi khỏi các tác động có hại từ thuốc lá.
2.4. Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng hô hấp vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong phác đồ điều trị tổng thể bệnh lý hô hấp, nhất là các bệnh mãn tính. Một số phương pháp giúp người bệnh phục hồi chức năng hô hấp được các bác sĩ khuyến cáo như:
- Ho có kiểm soát: giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở và không làm cho người bệnh mệt, khó thở (link xem kỹ thuật ho có kiểm soát)
- Thở ra mạnh: áp dụng khi người bệnh mệt không có đủ sức để ho, cần lưu ý uống đủ nước hàng ngày để làm loãng đờm
- Thở chúm môi: giúp đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn
- Thở cơ hoành (thở bụng): giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.
Thanh tú – sưu tầm internet