Mặt khác, nắng nóng làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước, sức đề kháng suy giảm cộng thêm sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài khiến bệnh viêm đường hô hấp càng tăng cao vào mùa hè.
1. Đặc tính của nhiễm khuẩn đường hô hấp (ĐHH) trên và ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ ?
ĐHH trên được tính từ mũi họng đến thanh quản.
Nhiễm khuẩn ĐHH trên là nhóm bệnh rất phổ biến, chiếm tới 60% dân số bị bệnh viêm cấp hoặc mạn tính, không ai không bị nhiễm khuẩn hô hấp trên ít nhất một lần trong đời.
Nhiễm khuẩn hô hấp trên không chỉ chiếm tỷ lệ cao mà còn hay tái phát, tần suất tái phát có khi tới 4 – 5 lần trong 1 năm, càng nhỏ tuổi thì tần suất tái diễn càng nhiều. Nhiễm khuẩn ĐHH trên đa phần nhẹ, có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu coi thường, không chăm sóc chu đáo, không điều trị kịp thời có thể chuyển thành nặng.
Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa dẫn đến viêm xương chũm và biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp-xe não, liệt mặt hoặc chuyển thành mạn tính để lại di chứng phải chịu đựng suốt đời như điếc, thấp tim, viêm khớp và viêm thận hoặc thường xuyên ngứa rát họng, ho, ngạt mũi, chảy mũi làm ảnh hưởng rất nhiều đến lao động và chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp
Họng là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Mỗi ngày có khoảng 9.000 lít không khí được hít thở qua mũi. Khi không khí bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi dễ dẫn đến ngạt mũi, chảy nước mũi làm phát sinh viêm mũi, viêm xoang, viêm họng và gia tăng nguy cơ lây nhiễm các dịch viêm ĐHH.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do phát triển công nghiệp, công nhân thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất; đặc biệt, mật độ giao thông dày đặc, khói bụi, khí thải quá mức cho phép; trẻ em được nuôi dưỡng quá cẩn thận, thường xuyên sống trong phòng kín, ít tiếp xúc với môi trường thiên nhiên nên cũng dễ bị viêm ĐHH mỗi khi ra ngoài. Người lớn làm việc trong văn phòng để điều hòa nhiệt độ quá thấp làm cho niêm mạc ĐHH bị tổn thương, nhất là khi từ ngoài trời nóng vào phòng lạnh.
3. Nhiễm khuẩn ĐHH trên, điều trị thế nào cho hiệu quả?.
Viêm ĐHH trên có hai thể: viêm cấp tính và viêm mạn tính.
Viêm cấp tính đa phần là do virut, trường hợp này không cần dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm mà tăng cường vệ sinh mũi họng như súc họng, rửa mũi, khí dung mũi họng kết hợp uống vitamin, nhất là vitamin C; ăn nhiều rau quả tươi để tăng cường sức đề kháng, có thể dùng kháng sinh tại chỗ bằng cách khí dung, chống bội nhiễm vi khuẩn.
Nếu tình trạng nhiễm khuẩn rõ rệt, bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, các triệu chứng tại chỗ nặng nề hơn thì cần cân nhắc sử dụng kháng sinh. Việc lựa chọn kháng sinh phải phù hợp với từng thể bệnh. Điều này phải do thầy thuốc chuyên khoa xem xét, lựa chọn. Không phải cứ kháng sinh mạnh, kháng sinh đắt tiền là tốt cho mọi trường hợp viêm ĐHH trên. Kết hợp với kháng sinh phải dùng thuốc chống viêm, thuốc chống phù nề, thuốc ho, giảm đau, hạ sốt.
4. Biện pháp điều trị dự phòng ?
– Giữ ấm khi thời tiết thay đổi, nhất là về mùa đông – xuân, chú ý giữ ấm cổ, chân;
– Đảm bảo dinh dưỡng để làm tăng thể chất, tăng sức đề kháng;
– Đảm bảo môi trường thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh ẩm, mốc, gió lùa;
– Tránh tiếp xúc với khói, bụi, không hút thuốc lá;
– Giữ vệ sinh mũi họng bằng cách: đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, khi tiếp xúc với khói, bụi;
– Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối biển dạng phun sương hoặc nước muối sinh lý 0,9% giúp cho hệ thống lông nhầy của mũi hoạt động tốt, phòng bệnh và phục hồi tốt sau khi phẫu thuật mũi xoang;
– Loại trừ các nguyên nhân tại chỗ gây bệnh tai mũi họng: nạo VA, cắt amidal; Điều trị kịp thời các bệnh tai mũi họng
Tham khảo tại SK&ĐS