Theo tổ chức y tế Thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong thứ tư trên toàn thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do thói quen hút thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm nên căn bệnh này có chiều hướng gia tăng mạnh. Dấu hiệu của COPD thường là ho khan, khó thở, tức ngực, ho có đờm vàng,…
Cùng với việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa, bệnh nhân nên áp dụng những bài tập thể dục đều đặn, vừa với sức khỏe của mình sẽ giúp cơ thể giảm bớt cảm giác khó thở, giảm bớt nhu cầu oxy, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
2 bài tập hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà
Bài tập chân
Để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiệu quả tại nhà, bạn nên sử dụng bài tập chân. Bài tập này sẽ giúp tăng cường sức lực ở các bắp thịt chân, tăng cường độ dẻo dai của toàn cơ thể, cải thiện chức năng của tim – phổi.
Với bài tập chân bạn nên tập giữ thăng bằng, tập ngồi- đứng, tập đi cầu thang hoặc nâng chân có trọng lực, đi bộ và đạp xe.
Bài tập tay
Khác với tác dụng của bài tập chân, bài tập tay giúp người COPD tăng cường sức lực và độ dẻo dai của các bắp thịt vùng vai, cánh tay. Nhờ đó giúp hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng bài tập tay rất đơn giản. Bệnh nhân có thể thực hiện dễ dàng những động tác thường ngày như quét dọn, chải tóc, nấu nướng hoặc sử dụng máy tập quay tay.
Những lưu ý khi vận động để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà
- Luôn thở chúm môi với thời gian thở ra gấp 2 lần thời gian hít vào.
- Không ăn quá no trong vòng 1-2 giờ trước khi tập luyện.
- Nếu hiện tượng khó thở xuất hiện trong lúc tập luyện thì nên thở chậm lại, tập trung vào việc thở chúm môi đến khi có đủ oxy cần thiết cho cơ thể thì luyện tập lại.
- Nên uống nhiều nước trong lúc đang tập luyện.
- Tuyệt đối dừng tập ngay khi xuất hiện triệu chứng: đau ngực, khó thở nhiều, đau chân kiểu co thắt, cảm thấy lảo đảo, choáng váng, buồn nôn.
Tập thể dục hàng ngày được các nhà khoa học chứng minh hiệu quả, rẻ tiền, là một phần trong chương trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, để áp dụng các bài tập một cách khoa học, giảm tác dụng phụ trong quá trình tập luyện thì bạn nên tới gặp các chuyên gia để được hướng dẫn cụ thể, đúng kỹ thuật.
Theo Đan Nguyên (sưu tầm internet)