Khi có các dấu hiệu của viêm phế quản, bạn nên đi khám sớm để có được phương pháp cũng loại thuốc điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh. Dưới đây là những điều bạn cần biết về bệnh lý này để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp thường do virus gây ra, khiến niêm mạc của các ống phế quản bị tổn thương, dẫn đến sưng, viêm.
Kết quả nghiên cứu, thống kê về các loại virus gây viêm phế quản cho thấy, virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân gây bệnh ở 30 – 50% các trường hợp mắc phải. Trong khi đó, virus cúm và á cúm chỉ chiếm khoảng 25%, còn Adenovirus gây bệnh cho 10% trường hợp.
Bệnh lý này được chia làm 2 loại là viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính.
- Viêm phế quản cấp tính: Bệnh viêm phế quản ở dạng cấp tính thường sẽ nhanh chóng được cải thiện chỉ trong vài ngày nếu bạn ăn uống, sinh hoạt khoa học hơn. Tuy nhiên cơn ho có thể sẽ tiếp tục “đeo bám” bạn đến hơn tuần.
- Viêm phế quản mạn tính: Bệnh tái đi tái lại nhiều lần, và đây chính là một trong những nguy cơ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (chronic obstructive pulmonary disease– COPD).
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Triệu chứng thường gặp khi bị viêm phế quản ở giai đoạn khởi phát thường gây ra những biểu hiện như ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ hoặc vừa, người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn…
Sau 3 – 5 ngày, bệnh bắt đầu bước vào giai đoạn toàn phát. Lúc này, người bệnh có thể bị sốt cao nhưng có thể bị hạ thân nhiệt, ho khan ngày một nhiều, chảy nước mũi trong và có đờm. Bên cạnh đó, người bệnh còn thấy khó thở, thở nhanh, thở khó, thở rít…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu chẳng may mắc viêm phế quản, người bệnh nên khám và điều trị ngay từ giai đoạn khởi phát, đừng đợi đến khi các dấu hiệu của giai đoạn toàn phát xuất hiện thì tình trạng bệnh đã trở nặng hơn, việc chữa trị cũng trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Viêm phế quản có lây không?
Như đã nói từ đầu, viêm phế quản là một bệnh lý thường gặp ở đường hô hấp, do virus gây ra nên bệnh rất dễ phát tán, lây lan trong cộng đồng, thậm chí có thể tạo thành dịch bệnh nếu không được kiểm soát, chữa trị kịp thời. Bệnh này thường dễ lây qua đường thở, khi người bệnh hắt hơi, hoặc qua đờm, nước bọt, dịch tiết…
Đáng chú ý, nếu người bệnh sống trong vùng có dịch bệnh thì tỷ lệ lây nhiễm viêm phế quản rất cao. Đặc biệt, những người có thể trạng yếu, có tiền sử bị bệnh tim bẩm sinh, bị loạn sản phổi, suy giảm miễn dịch, sống trong môi trường phải hút thuốc lá thụ động… thì nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản lại càng tăng cao.
Phương pháp điều trị viêm phế quản
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh. Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các trường hợp viêm phế quản, nhất là viêm phế quản cấp không cần dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với những trường hợp phế quản bị viêm do vi khuẩn gây ra. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh cho tất cả những trường hợp viêm phế quản là điều không cần thiết, thậm chí làm tăng nguy cơ sản sinh ra vi khuẩn kháng thuốc.
- Uống nhiều nước hơn: Một mặt, bổ sung nước là để bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn ói, tiêu chảy cho người bệnh bị viêm phế quản. Mặt khác, uống nước nhiều sẽ làm loãng đờm, giúp cải thiện tình trạng đờm nhớt, ho khan do bệnh gây ra. Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, tốt nhất, người bệnh viêm phế quản nên uống orezol và pha đúng tỷ lệ như hướng dẫn được in trên bao bì.
- Không lạm dụng thuốc giảm ho khi bị viêm phế quản. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các thuốc giảm ho làm giảm khả năng bài tiết đờm dãi, việc đẩy các chất bẩn và dị vật trong đường thở ra ngoài cũng trở nên khó khăn hơn. Từ đó, quá trình phục hồi của người bệnh diễn ra chậm hơn.
- Cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cũng như duy trì chế độ ăn bình thường cho người bệnh. Nên ăn thức ăn loãng, dễ tiêu và giàu dinh dưỡng.
- Giữ vệ sinh đường thở: Tránh xa khói thuốc lá, hạn chế đến những nơi nhiều bụi, ô nhiễm. Bởi đây là những tác nhân có thể khiến tình trạng viêm phế quản diễn tiến nhanh hơn và nặng hơn.
Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng viêm phế quản rất dễ tái phát, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn và gia đình. Chính vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ là biểu hiện của bệnh viêm phế quản, hãy đi thăm khám càng sớm càng tốt để nhanh khỏi bệnh bạn nhé.
Quỳnh Anh